Năm qua, phần lớn dự án bất động sản tại TP.HCM tăng giá và giờ là thời điểm để nhà đầu tư thứ cấp bung hàng thu hồi vốn.
Giá căn hộ tại Dự án Phú Đông Premier tăng 20% trong năm qua. Ảnh: G.H
Thắng lớn
Ông Phạm Văn Sáng, nhà đầu tư thứ cấp tại quận 9 (TP.HCM) cho biết, ông vừa ra hàng một căn chung cư tại Dự án Phú Đông Premier tại Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Căn hộ được ông Sáng mua năm 2019, tới nay đã xây xong phần thô và dự kiến bàn giao nhà trong tháng 6/2020. Thời điểm ông Sang mua với giá 1,6 tỷ đồng, nay ông sang nhượng với lợi nhuận 20%.
“Mức độ tăng giá tại dự án này khá tốt. Do đang cần tiền, nên tôi quyết định ra hàng sớm, nếu để tới thời điểm giao nhà thì giá sẽ còn cao hơn”, ông Sáng nói.
Tại Dự án Hà Đô Centrosa (đường 3/2, quận 10, TP.HCM), ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Hà Đô (chủ đầu tư) cho biết, dự án nhà phố có giá 12 – 16 tỷ đồng/căn vào năm 2017, giờ đây giá bán lại là 28 – 30 tỷ đồng/căn. Phân khúc nhà chung cư tại dự án này đang trong giai đoạn bàn giao, với giá tăng 30 – 35%. Thậm chí, giá bán cao, nhưng giới đầu tư thứ cấp dự án vẫn ra hàng nhỏ giọt để đợi giá tăng tiếp.
Còn tại Dự án Richmond City (đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh), do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, giá thời điểm mở bán (năm 2018) là 1,6 – 1,8 tỷ đồng/căn, thì nay đã lên tới 2,7 tỷ đồng/căn chung cư.
Chị Hương, nhân viên bán hàng tại dự án này cho biết, hiện các giao dịch tại đây đều do giới đầu tư thứ cấp bán lại.
Hay như Dự án Ascent Plaza tại 375 – Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM), giá căn hộ chung cư năm 2019 khoảng 37 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên 43 triệu đồng/m2, dù dự án đang xây dựng.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, thị trường bất động sản năm 2019 ghi nhận biên độ tăng giá rất lớn từ các dự án được mở bán từ năm 2017 và tới thời điểm này chuẩn bị bàn giao nhà. Lý do tăng giá chủ yếu do thị trường thiếu nguồn cung mới.
Tiềm ẩn rủi ro
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group, thực tế cho thấy, nhu cầu mua để ở chỉ dừng lại ở số lượng nhất định, trong khi phần lớn mua để đầu tư, cho thuê sinh lợi, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro thị trường.
“Việc xác định đầu tư vào đâu, phân khúc nào, sản phẩm nào phụ thuộc vào kỳ vọng và mục đích đầu tư của từng người. Tuy nhiên, theo tôi, nhà đầu tư cần phải xác định là đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn; đầu tư với mục đích cho thuê hay đầu tư để bán lại trên thị trường thứ cấp? Cần xác định rõ, bởi hiện nay, nhà đầu tư thứ cấp đang chạy đua theo thị trường. Ví dụ, đầu năm 2019, nhà đầu tư thứ cấp đua nhau mua dự án ở thị trường tỉnh lẻ, nhưng lợi nhuận không đạt như kỳ vọng, hàng không thể bán, nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp lao đao”, ông Phúc nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, các nhà đầu tư thứ cấp có thể đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm rửa tiền hoặc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản. Vì vậy, HoREA kiến nghị Nhà nước tiếp tục sử dụng công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, nhà ở, đặc biệt là công cụ về thuế để điều tiết thị trường bất động sản, nhằm phòng chống đầu cơ, sốt giá ảo và kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh thứ cấp.
Ngoài ra, ông Châu cho biết, việc nhà đầu tư thứ cấp đổ bộ trở lại thị trường bất động sản TP.HCM, đặc biệt là phân khúc trung cấp, đang là mối lo lớn, bởi nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay chiếm tỷ trọng lớn là nhà ở tầm trung, mà nhà đầu tư thứ cấp đổ bộ vào phân khúc này kiếm lời sẽ đẩy giá lên, gây thiệt hại cho người dân mua nhà để ở.
Ông Châu cũng cảnh báo, việc để cho nhà đầu tư thứ cấp ôm hàng là rất nguy hiểm, bởi khi các nhà đầu tư này gặp khó khăn về tài chính, hoạt động bán tháo để lấy tiền trả nợ sẽ xảy ra, gây tác động xấu tới thị trường.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, sự tham gia của đội ngũ nhà đầu tư thứ cấp trong ngắn hạn giúp thị trường diễn ra sôi động, thanh khoản thị trường tăng lên. Song về dài hạn, tình trạng này dễ dẫn tới các hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.