An cư, từ một khao khát, đang trở thành thách thức vắt kiệt sức của những người trẻ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
1,6 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhà ở
Giá nhà trên toàn cầu đang tăng nhanh nhất trong vòng 40 năm qua, gấp 3 lần so với trước đại dịch. Đến năm 2025, khoảng 1,6 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhà ở. Tại nhiều nước châu Á và Mỹ, chi phí cho nhà ở chiếm tới hơn một nửa thu nhập của người thuê nhà.
Canada đã công bố sẽ giới hạn số lượng visa cấp cho sinh viên quốc tế, với lý do là nước này đang trải qua khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng. Không chỉ giới hạn cấp thị thực, Canada đã ban bố một loạt chính sách nhằm siết lại số lượng sinh viên quốc tế đến nước này, từ giới hạn thị thực, tăng yêu cầu chứng minh tài chính, hay hạn chế về việc làm cho du học sinh và vợ hay chồng đi cùng, với mục tiêu là giảm 1/3 lượng du học sinh mới trong năm nay.
Đây được coi là bước đi cần thiết, bởi chỉ riêng năm 2023, Canada đã đón tới hơn một triệu du học sinh nước ngoài. Cộng đồng du học sinh càng đông thì bài toán tìm kiếm chỗ ở lại càng gay gắt với người dân địa phương và cả các du học sinh.
Canada cũng như nhiều nước trên toàn cầu đều đang là trung tâm của một cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhà ở giá phải chăng, mà trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là thế hệ trẻ.
Từ khi ra trường, chị Jessie Golem, sống tại bang Ontario, Canada đã phải liên tục chuyển nhà, bởi giá thuê thay đổi chóng mặt, hiện nằm trong top những nơi nhà ở đắt đỏ nhất khu vực Bắc Mỹ. “Tôi đã chuyển tổng cộng 7 lần, việc đó thật sự rất mệt mỏi và áp lực” – chị chia sẻ.
Giá cả đắt đỏ đã khiến những người đi thuê và người muốn mua nhà đều khó khăn. Với anh Paddy, 29 tuổi, ước mơ sở hữu căn nhà đầu tiên đang dần xa vời, đặc biệt khi thu nhập của anh bị giảm từ sau đại dịch. Anh cho biết: “Năm trước chúng tôi từng đi xem một căn nhà có giá 400.000 – 500.000 CAD. Nhưng giờ nó đã lên gần gấp đôi. Thật không thể tin nổi”.
Canada chỉ là một trong số nhiều quốc gia phát triển đang phải đương đầu với vấn nạn thiếu hụt nghiêm trọng nhà ở giá rẻ. Đây là một khó khăn đánh thẳng vào các đối tượng thu nhập thấp, chưa có công việc ổn định, như sinh viên và người mới tốt nghiệp.
Tại Anh, số lượng căn nhà trống cho sinh viên đã giảm tới 19.000 căn trong 4 năm qua. 12 vùng ngoại ô của Australia đạt điểm tối đa về chỉ số khó khăn trong việc tìm nhà thuê. Hàn Quốc ghi nhận gần 900.000 người trẻ đóng tài khoản tiết kiệm mua nhà trong nửa đầu năm ngoái, do bi quan về cơ hội mua nhà trong tương lai khi giá cả ngày càng đi lên.
Ngay cả nền kinh tế số một thế giới như Mỹ cũng không thể thoát khỏi làn sóng thiếu hụt nhà ở, đặc biệt là các thành phố, thị trấn có đại học, tập trung nhiều sinh viên và người mới tốt nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông David Garcia, Chuyên gia nghiên cứu, Đại học California – Berkeley, Mỹ nhận định: “Trong khi số lượng sinh viên ngày càng tăng cao thì nhiều thành phố đại học vẫn chưa có đủ hạ tầng nhà ở. Bởi vậy, nhiều sinh viên, đặc biệt là tại California phải đi rất xa từ nhà đến trường, hay thậm chí trở thành vô gia cư tạm thời”.
Theo ngân hàng JP Morgan, giá nhà toàn cầu đã tăng với tốc độ cao nhất trong vòng 4 thập kỷ vào năm 2022. Dù đã ít nhiều hạ nhiệt, tốc độ tăng giá nhà hiện vẫn gấp 3 lần mức trước đại dịch. Do đó, thế hệ trẻ nhiều nước sẽ vẫn tiếp tục phải chịu gánh nặng tài chính không hề nhỏ.
Cơ sở hạ tầng nhà không đủ thích ứng với tốc độ tăng dân số
Có thể thấy, tại nhiều quốc gia, cơ sở hạ tầng nhà ở hiện có không đủ để thích ứng với tốc độ tăng dân số, đặc biệt là nhu cầu từ người nhập cư và sinh viên quốc tế. Như tại Đức, lượng nhà ở thiếu hụt trong năm 2023 lên tới 500.000 căn, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ.
Lạm phát và mặt bằng lãi suất cao trong những năm gần đây cũng là một yếu tố quan trọng gây khó khăn cho thị trường nhà ở. Do chi phí đi vay cao khiến nhiều người ngần ngại việc vay mua nhà hoặc xây nhà cho thuê, trong khi lạm phát cao thắt chặt khả năng tài chính của người có nhu cầu thuê nhà.
Nhiều Chính phủ cũng bị chỉ trích là thiếu các chính sách hỗ trợ người mua và thuê nhà, cũng như khuyến khích xây dựng nhà ở mới, khiến cho “nút thắt” về thiếu hụt nguồn cung vẫn chưa thể được giải quyết.
Để giảm nguồn cầu về nhà ở, Canada đã lựa chọn hạn chế sinh viên quốc tế. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều biện pháp mà Canada và các nước đang áp dụng để giải quyết vấn đề nhà ở. Cũng tại Canada, Chính phủ nước này đã kích hoạt lại một đạo luật từ sau thời Thế chiến II để thúc đẩy xây dựng các khu nhà ở mới nhanh chóng, theo thiết kế đã được giới chức phê duyệt sẵn.
Được biết, Australia sẽ đưa ra ưu đãi và trợ cấp cho các bang để khuyến khích mở rộng các dự án nhà ở mới, cũng như đơn giản hóa thủ tục cho người đi thuê nhà. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo thêm hơn một triệu nhà ở mới trong 5 năm tới tại nước này.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất kế hoạch nới lỏng quy định sử dụng đất, giảm mật độ nhà ở tại các tiểu bang và đưa ra các ưu đãi vay vốn để xây nhà mới trong tương lai.
Những chiếc xe nhà di động
Với nhiều người trẻ, sở hữu một ngôi nhà không chỉ tượng trưng cho sự trưởng thành mà còn là bước quan trọng để ổn định tài chính và tương lai. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi mà ước mơ mua nhà vẫn còn khá xa tầm tay, nhiều người đã tìm những cách thức sáng tạo để có thể thực hiện mong muốn “an cư” của bản thân.
Sau thời gian dài chờ duyệt đơn đăng ký, Youri Hermes, 26 tuổi, được sống trong căn hộ container dựng trên một sân thể thao cũ ở phía Bắc Thủ đô Amsterdam, Hà Lan. “Tôi vừa xem đã có chỗ ở luôn nhưng nhiều người không được may như tôi” – anh Youri Hermes chia sẻ.
Nhà tuy nhỏ nhưng cũng có đủ bếp, phòng tắm, phòng ngủ. Giá thuê là 400 Euro/ tháng, tức chỉ khoảng 10 triệu đồng, thời gian thuê tối đa 5 năm và dành cho những người từ 18 – 27 tuổi. 400 Euro được coi là vừa phải, vì giá thuê nhà cho một người ở Amsterdam bình thường là khoảng 1.500 Euro/tháng, còn chờ để đến lượt mua nhà ở xã hội thì phải mất13 năm.
Tại Trung Quốc, giá bất động sản ngày càng cao khiến người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ chuyển đến sống trong những chiếc ô tô dã ngoại để tiết kiệm tiền thuê trọ. Trước khi sống trong xe, mỗi tháng chị Wiggy He, một nhân viên thương mại điện tử ở Thâm Quyến, phải trả 2.500 Nhân dân tệ (tức hơn 8 triệu đồng) tiền thuê nhà. Nhưng nay, chị chỉ tốn 600 Nhân dan tệ tiền thuê xe và thêm 20 Nhân dân tệ phí gửi xe mỗi ngày.
“Tôi thấy sống trong một chiếc xe nhà di động rất tự do, giảm bớt gánh nặng cần phải định cư ở thành phố này. Có thể một vài năm nữa, tôi sẽ chuyển đến một thành phố mới”, chị Twiggy He tâm sự.
Trong khi đó, gần 10% các văn phòng của thành phố Frankfurt, Đức đang bị bỏ trống. Nhiều thành phố khác như London (Anh), San Francisco và New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản)…, tỷ lệ văn phòng bỏ trống còn cao hơn. Chúng không chỉ lãng phí không gian mà còn thu về ít tiền cho chủ sở hữu hơn, dẫn đến thuế đóng cho địa phương cũng ít đi. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã biến những tòa văn phòng cũ này thành các khu căn hộ giá rẻ – vừa giải quyết chỗ ở cho người dân, tiết kiệm chi phí tái thiết cơ sở hạ tầng và thời gian, lại giảm lượng khí thải CO2 từ hoạt động xây dựng.
Dù Chính phủ và tự thân người trẻ đang cố gắng nỗ lực nhưng khủng hoảng nhà ở vẫn được dự báo là một vấn đề dai dẳng, phải mất nhiều năm để giải quyết triệt để. Tuy vậy, những bước đi hiện nay vẫn sẽ là bài học cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, để giúp người dân có thể sớm thực hiện ước mơ “an cư lạc nghiệp”.
———————
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỊA ỐC PHÚ ĐÔNG (PHÚ ĐÔNG GROUP)
🔸 Hotline PKD: 0909 213 286
🔸 Email: info@phudonggroup.com
🔸 Website: www.phudonggroup.com
🔸 Trụ sở chính: 55 Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
🔸 Showroom gallery: 2B Trần Thị Vững, Phường An Bình, TP. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.