Nhiều gia chủ thích lát gỗ sàn phòng khách và phòng ngủ, thậm chí toàn bộ căn hộ cho đẹp, ấm cúng.
Sàn gỗ, nhất là sàn gỗ công nghiệp, cũng có những ưu điểm khác như vật liệu gần gũi con người, màu sắc đa dạng, nhiều chủng loại và giá thành.
Tuy nhiên, sàn gỗ cũng có nhiều nhược điểm khiến người sử dụng nhiều phen khóc dở, theo KTS Đinh Công Quỳnh (Hà Nội).
Đầu tiên, bề mặt gỗ khá mềm nên không chịu được tác động mạnh. Ví dụ, sàn gỗ tự nhiên được sơn phủ PU bề mặt, lúc mới lắp đặt rất đẹp mắt nhưng sau một thời gian sử dụng, nếu gia chủ không để ý và kéo bàn ghế hoặc đồ đạc có chân cứng, mặt sàn sẽ xuất hiện các vết trầy xước nhìn rất khó chịu.
Sàn gỗ công nghiệp cũng có thể bị tương tự nếu thiếu lớp phủ chống trầy xước. Như vậy, nếu muốn dùng sàn gỗ, gia chủ cần thận trọng trong việc di chuyển đồ đạc hoặc tìm chọn các loại sàn gỗ công nghiệp chống xước tốt.
Tiếp theo, bạn cần quan tâm đến nồng độ formaldehyde vì đây là sát thủ thầm lặng gây bệnh ung thư. Các triệu chứng dễ quan sát và nhìn thấy khi con người sống trong môi trường có formaldehyde là cay mắt, đỏ mắt, kích thích đường hô hấp trên gây chảy nước mũi… Những loại sàn gỗ tốt, đảm bảo an toàn cho sức khỏe sẽ có chứng nhận tiêu chuẩn E0, E1, E2, tiêu chuẩn Carb và tiêu chuẩn Jis
Một nhược điểm lớn và cũng là đặc tính tự nhiên của sàn gỗ là tính co ngót hoặc giãn nở. Khí hậu miền Bắc là cơn ác mộng với đồ gỗ nói chung và sàn gỗ nói riêng. Chúng có thể nở ra khi trời nồm ẩm, kênh hoặc phồng hẳn lên khi hai bên tường không còn không gian để giãn nở.
Ngược lại, khi thời tiết hanh khô, các tấm gỗ có thể tách nhau ra tạo thành khe bằng que tăm hoặc thậm chí đút vừa ngón tay, nhỡ đổ một cốc nước sẽ ngấm qua khe này xuống dưới sàn, rất lâu khô. Giải pháp chống lại tác động của thời tiết là đóng cửa, dùng máy hút ẩm hoặc chia sàn thành từng phòng nhỏ và có nẹp chỗ cửa nhưng đối với căn hộ, nhất là căn hộ lớn, các giải pháp này chỉ đạt hiệu quả tương đối do mặt sàn rộng, không gian liên thông.
Một yếu tố không thể bỏ qua là các cơn mưa khi chủ nhà quên đóng cửa sổ hay cửa ban công. Chỉ sau một đêm bị mưa hắt vào, sàn gỗ ngấm nước sẽ nở ra, thậm chí bị phồng rộp, không thể hồi lại được như ban đầu nếu như là loại chất lượng kém. So với nhà đất, căn hộ cũng dễ bị mưa hắt hơn vì ban công và cửa sổ rộng, lại hút gió.
Tóm lại, trước khi quyết định làm sàn gỗ, bạn cần tìm hiểu kỹ nhu cầu bản thân và gia đình cũng như vị trí lát sàn, khả năng ngấm nước của khu vực đó, loại sàn gỗ và đặc điểm kỹ thuật của nó, trình độ của đơn vị cung cấp và lắp đặt. Quan trọng nhất, đừng quên sàn gỗ đòi hỏi sự cẩn thận của gia chủ trong suốt quá trình sử dụng.